Cho dù bạn đang học giỏi Toán hay học kém môn Toán thì có 1 mẹo thi Toán rất đơn giản mà bạn có thể áp dụng vì nó liên quan đến cách thức thể hiện trong lúc làm bài thi môn Toán.
Thông thường thì khi làm đề Toán, bạn sẽ làm câu nào trước: không cần phải suy nghĩ, chắc chắn bạn sẽ trả lời ngay là làm câu dễ trước, câu khó sau đúng không? Tất nhiên là vậy, nhưng cách bạn trình bày lời giải các câu trong đề thi sẽ như thế nào: Bạn trình bày câu nào trước ở trong tờ giấy thi? Đến đây thì sẽ có nhiều sự khác biệt.
Có nhiều bạn thường sau câu hàm số thì chuyển sang thấy câu nào dễ làm câu đó. Đó có thể là câu lượng giác hoặc câu số phức, hoặc 1 câu nào đó nằm trong nhóm những câu bạn dễ dàng làm được ngay. Vậy thì thứ tự các câu bạn trình bày vào trong bài thi sẽ là như thế nào nếu để bài có 10 câu. Có thể là 1-5-6-9-7-8… tùy đề đúng không? Bạn có thấy, với 1 đề Toán rất dài, thông thường là 10 câu, mỗi câu bạn trình bày ít nhất cũng chừng nửa mặt giấy cho đến 2/3 trang giấy, thì khi thể hiện lên trên giấy thi, ít nhiều cũng phải 2-3 tờ giấy thi.
Nếu như bạn làm theo 1 thứ tự đảo lộn như vậy thì những khó khăn nào có thể xảy ra?
– Khi bạn kiểm tra lại bài làm, bạn cũng không biết thứ tự ở đâu và rất mất thời gian để kiểm tra lại. Chưa kể lỡ may lại còn thiếu.
– Đặc biệt khi giám khảo chấm bài, do giám khảo phải chấm hàng trăm, hàng nghìn bài thi nên việc thứ tự lộn xộn sẽ khiến cho giám khảo khó tìm. Chưa kể chẳng may họ chấm thiếu câu của các bạn. Chuyện chấm thiếu câu vì khó tìm hoặc đếm nhầm câu là hoàn toàn có thể xảy ra.
Vì vậy, có 1 mẹo rất đơn giản. Về thứ tự làm bài, bạn vẫn làm câu dễ trước, câu khó sau. Nhưng thứ tự trình bày vào trong bài thi, bạn nên trình bày theo thứ tự từ đầu đến cuối 1-2-3-4-5… Để làm được điều đó, rất đơn giản, bạn ước lượng độ dài mỗi bài. Giả sử như:
– Tờ giấy thi số 1: Làm các câu 1-2-3
– Tờ giấy thi số 2: Làm các câu 4-5-6
– Tờ giấy thi số 3: Làm các câu 7-8-9-10
Trong từng tờ giấy, bạn cũng chia thứ tự lần lượt như vậy. Việc bạn làm như thế sẽ chắc chắn 1 điều bài làm của bạn rất thoáng, khi kiểm tra lại cực kỳ dễ dàng. Giám khảo chấm lướt qua bài làm cũng biết được thứ tự bài làm của bạn. Vì nếu bài thi giữa các câu, bạn để 1 khoảng trống thì cũng chẳng ai trừ điểm của bạn cả. Vậy nên bạn cứ yên tâm làm như vậy nhé!
Ngoài ra, nếu làm theo cách này, có thể bạn làm xong câu 1, câu 2. Bạn thấy câu 9 rất dễ thì bạn xin luôn giấy thi, giám thị không cấm việc bạn xin giấy thi sớm. Bạn còn có thể dùng tờ giấy kia để làm bài, chữ viết trông sẽ đẹp hơn.
Thêm 1 điều nữa, đó là khi đi thi, nhớ làm câu dễ trước, câu khó sau. Sau khi làm xong câu nào thì bạn phải kiểm tra lại câu đó thật kỹ để đảm bảo bạn đã làm đúng trước khi chuyển sang câu tiếp theo. Sau khi làm xong tất cả bài, ở lượt kiểm tra tiếp theo, bạn có thể giải lại ra nháp để chắc chắn lời giải của mình và đáp án trong bài thi là đúng.
Như vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu về những mẹo thi Toán cực kỳ hay mà không phải ai cũng biết. Chúc các sỹ tử làm bài thi thật tốt để thực hiện được ước mơ của mình.